Suy Niệm Thứ Năm Tuần Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh
Thứ năm - 05/04/2012 14:44
Suy Niệm Thứ Năm Tuần Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh
SUY NIỆM THÁNH LỄ TIỆC LY CHIỀU THỨ NĂM TUẦN THÁNH
(Ga 13,1-15)
Cộng đoàn thân mến!
Trong Thánh Lễ Tiệc Ly, bài Tin Mừng hôm nay không tường thuật việc Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể, nhưng tường thuật một cử chỉ khác của Ngài, đó là việc rửa chân. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu cử chỉ này để rút ra bài học áp dụng trong đời sống Đạo. .
1. Nét đặc biệt trong việc rửa chân của Chúa Giêsu:
Trước tiên, chúng ta thấy đây là cử chỉ gây ngạc nhiên cho những người chứng kiến, tức là các tông đồ. Theo phong tục thời đó, rửa chân cho khách là cử chỉ tỏ lòng hiếu khách. Việc rửa chân của Chúa Giêsu là cử chỉ gây ngạc nhiên bởi vì:
- Trước tiên, Ngài không rửa chân cho khách mà rửa cho các học trò của mình.
- Thứ hai, việc rửa chân trái với thời điểm quen thuộc. Vì người ta rửa chân cho khách trước bữa ăn. Còn Chúa Giêsu, lại rửa chân "giữa bữa ăn".
- Sau hết, việc rửa chân là bổn phận dành cho những gia nhân, người ở. Hành động này ngầm hiểu như là công việc của thân phận nô lệ tôi đòi. Thế mà ở đây, Chúa Giêsu, dù là "Thầy", là "Chúa ", lại đích thân rửa chân các môn đệ. Tại sao?
2. Ý nghĩa của việc rửa chân:
Người ta thường nói đến việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ như là cử chỉ của sự khiêm hạ. Tuy nhiên, đó không đơn thuần là một cử chỉ khiêm nhường hạ mình. Trong ý nghĩa tròn đầy hơn, đây là một loại hành động biểu trưng, miêu tả cái chết của Người. Những động từ mà thánh Gioan sử dụng để tường thụât lại cử chỉ của Chúa Giêsu, "cởi bỏ" áo ngoài, rồi sau đó "mặc lại " (ở câu 4 và 12) rõ ràng là những động từ để nói rằng: chính Ngài tự hiến mạng sống rồi mới lấy lại. ("Cha yêu Thầy và Thầy hiến mạng sống, để sau đó lấy lại. Không ai có thể lấy được mạng sống Ta: chính Ta ban tặng mạng sống, Ta có quyền ban tặng và có quyền lấy lại "). "Cởi bỏ" và "mặc lại" là hai động từ thánh thiêng, dùng để chỉ cái chết của Chúa Giêsu do Người tự do chấp nhận để được sống lại. Đây mới là ý nghĩa thâm sâu của cử chỉ Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ.
3. Bài học từ việc rửa chân:
Phần chúng ta, chúng ta đi theo Chúa Giêsu, học làm môn đệ của Ngài, chúng ta cũng được Ngài mời gọi họa lại cử chỉ Ngài đã thực hiện: "Đây là một mẫu gương Thầy ban cho các con, để các con cũng làm như Thầy đã làm cho các con".
Lời Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy “làm như Thầy đã làm cho anh em” không đơn thuần chỉ là việc bắt chước việc Ngài về mặt hình thức. Nhưng quan trọng hơn, chúng ta phải cả đời sẵn sàng hy sinh tất cả, kể cả mạng sống của mình, vì hạnh phúc của anh em đồng loại. “Thầy là Thầy và là Chúa mà còn rửa chân, cho anh em (tức là hiến mạng sống vì anh em). Cả anh em nữa, anh em cũng phải rửa chân cho nhau, tức là hiến mạng sống vì tha nhân.
Ngày xưa, Chúa Giêsu đã ngỏ lời với các môn đệ như vậy, thì ngày nay, vào lúc này đây, Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy làm như vậy. Chúng ta hãy bắt đầu, trước hết là cho gia đình mình, anh chị em mình, con cái mình, giáo xứ mình, và tất cả mọi người mà chúng ta gặp gỡ tiếp xúc trong cuộc sống. Được như vậy là chúng ta đã nên thánh. Vì quả thật, một trong những cách thế để nên thánh chính là phục vụ tha nhân.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một trái tim cao thượng và quảng đại như Chúa, để chúng con biết xả thân vì gia đình chúng con, hy sinh cho anh chị em chúng con, phục vụ những người chung quanh chúng con. Nhờ đó, người ta sẽ nhận biết chúng con là những môn đệ đích thực của Chúa. Amen.
SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN THÁNH: TÌNH YÊU THÁNH GIÁ
(Ga 18,1-19,42)
Ở miền bắc nước Cộng Hòa Lithuania (trước kia là nước Cộng hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Lithuania, thuộc Liên bang Xô-viết cũ), có một ngọn đồi được gọi tên là Đồi Thánh Giá.
Đồi Thánh Giá nằm gần thành phố Si-au-li-ai, với khoảng 200.000 cây thánh giá đủ loại “mọc” chi chít. Đây là địa điểm du lịch nổi tiếng và cũng là địa điểm hành hương của nhiều người theo đạo Công Giáo.
Người ta kể rằng khi mỗi người đi qua ngọn Đồi Thánh Giá, họ sẽ gặp được nhiều may mắn nếu cắm cây thánh giá của mình lại nơi đây. Chính vì vậy, hàng ngàn người đã đến đây để tìm kiếm may mắn.
Cũng tại nước Lithunia, có một việc bảo tàng, lừng danh với một sưu tập gồm 3000 bức tượng và mặt nạ Ác Quỷ. Trước kia nó là ngôi nhà của họa sĩ An-ta-nas Žmui-zdi-na-vi-či-us, trong đó có một số tác phẩm của ông và của những hoạ sĩ đương thời.
Năm 1982, khi bộ sưu tập Ác Quỷ đã có quá nhiều tác phẩm, người ta dời bộ sưu tập này sang một toà nhà kế cận, và đặt tên là Viện Bảo Tàng Ác Quỷ.
Viện Bảo Tàng Ác Quỷ thu hút khách du lịch quanh năm, và một trong những tác phẩm gây ấn tượng mạnh nhất là bức điêu khắc ác quỷ Stalin đang chạy theo ác quỷ Hitler trên đất nước Lithuania đầy những sọ người.
Anh chị em rất thân mến!
Thánh Giá và Ác Quỉ là hai hình ảnh tương khắc, đối chọi, một bên tượng trưng cho tình yêu bao la của Thiên Chúa, một bên đại diện cho cái ác tột đỉnh của con người.
Quả thật, Tình Yêu Thánh Giá là một sự thật diệu kỳ, đã và đang diễn ra trong thế giới chúng ta hôm nay. Chúa Giêsu đã biến cây thập tự, là thứ hình phạt độc ác do sáng kiến của con người bày ra, thành cây mang lại nguồn sống cho loài người. Ngài đã biến cái chết thảm sầu thành cuộc chiến thắng hiển vinh, biến thập giá ô nhục thành Thánh Giá vinh quang, thành giá cứu chuộc hết mọi người trên thế giới.
Từ nay, bất cứ ai đem cây Thánh Giá đời mình đặt bên cạnh cây Thánh Giá của Chúa Giêsu, tức là biết dùng những đau khổ của mình để tháp nhập vào đau khổ của Chúa, người ấy sẽ gặp may mắn và hạnh phúc. Cũng từ nay, bất cứ ai biết nhìn lên Thánh Giá và tin vào Đấng đang bị treo trên Thánh Giá, người ấy sẽ được cứu độ.
Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu đã ghi lại dấu chỉ của sự vinh thăng. Giờ đây, Thánh Giá được xem là ngai của Vua Giêsu. Từ trên Thánh Giá, Ngài sẽ lôi kéo mọi người lên cùng Ngài. Từ Mạch Nước dưới cạnh sườn Ngài, một Cộng đoàn Dân Thiên Chúa mới đã được hình thành và sinh ra. Mạch Nước này vừa đem lại sự sống bất diệt, vừa có phép nhiệm mầu hóa giải sức mạnh của Ác Quỉ. Nhờ đó, dù cho “Sa-tan sức hùng, mưu ma vẫy vùng” cũng “không hề chuyển rung”.
Trong đời, không ai là không có thánh giá. Thánh giá ấy đôi lúc do mình tạo ra, nhiều khi do người khác mang lại. Xin Chúa giúp chúng ta đừng trốn chạy, nhưng biết đặt thánh giá của mình bên cạnh Thánh Giá Chúa Giêsu, để Ngài hóa giải, làm cho nó trổ hoa và trở thành Cây mang lại phúc trường sinh. Amen.
SUY NIỆM CHÚA NHẬT PHỤC SINH: HIỆU QUẢ CỦA LÒNG YÊU MẾN
(Ga 20,1-9)
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu phục sinh. Dưới ngòi bút của thánh sử Gioan, tất cả tình tiết đã được tái hiện lại một cách sinh động qua sự biểu cảm linh hoạt và rất thực của từng nhân vật. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu để rút ra bài học áp dụng cho bản thân.
1. Bối cảnh của cuộc phục sinh:
Tại Palestine, có phong tục viếng mộ người thân sau ba ngày mai táng. Người ta tin rằng linh hồn người chết còn bay lượn và chờ đợi chung quanh ngôi mộ suốt trong ba ngày. Sau đó, khi thi thể bắt đầu thay đổi sắc dạng, chuẩn bị thối rửa, không còn nhận diện được nữa, lúc ấy linh hồn mới bỏ đi.
Người Do thái không chôn cất người chết dưới lòng đất, nhưng họ chọn những tảng đá lớn, đục sâu vào bên hông, làm thành những hầm mộ. Để che cửa mộ, người ta dùng một tảng đá tròn như bánh xe, lăn vào cho vừa khít cửa. Đồng thời, ngoài cửa mộ thường có lính canhh gác rất cẩn thận, đề phòng kẻ gian ăn cắp xác. Theo thánh Matthêu cho biết, sau khi mai táng Chúa Giêsu, nhà cầm quyền đã cẩn thận cho niêm phong cửa mộ của Ngài để không ai có thể lăn tảng đá này đi (Mt 27,66).
Các môn đệ và người thân của Chúa Giêsu không thể đến viếng mộ Ngài và mang thêm thuốc thơm để ướp xác Ngài, vì nhằm vào ngày Sa-bát. Theo luật, đi bộ vào ngày Sa-bát cũng bị cho là phạm tội “làm việc xác”. Vì vậy, mọi người đành kiên nhẫn chờ cho đến sáng sớm hôm sau ngày Sa-bát, là ngày thứ nhất trong tuần (tức là ngày Chúa nhật của chúng ta bây giờ).
2. Hiện trường của cuộc phục sinh:
Từ sáng sớm, Maria Madalena đã vội đến mộ Chúa Giêsu. Khi đến nơi, bà vô cùng ngạc nhiên vì phát hiện có sự khác lạ: tảng đá lấp cửa mộ Chúa Giêsu đã bị ai đó lăn ra ngoài. Lúc đó, trong trí bà xuất hiện sự nghi vấn với hai giả thiết: Một là người Do thái đã lấy xác Chúa Giêsu đem đi nơi khác, vì họ muốn làm nhục thi thể Ngài thêm nữa cho hả giận. Hai là những người chuyên đào mộ để ăn cắp xác đã làm làm việc này. Vì chưa biết sẽ đối phó ra sao nên bà liền chạy về báo tin cho Phêrô và một môn đệ khác.
Phêrô và môn đệ kia vội vã chạy đến mộ, nhưng có lẽ môn đệ kia còn trẻ khỏe hơn nên đã đến trước, Phêrô thì đến sau. Đến nơi, Phêrô bước vào trong mồ đá và rất đỗi ngạc nhiên vì xác Thầy không còn. Còn môn đệ kia, tuy chỉ đứng bên ngoài cửa mộ để nhìn vào bên trong, nhưng lại chú ý đến một chi tiết hết sức quan trọng: các đồ khâm liệm Chúa Giêsu không bị vứt bừa bãi, nhưng được xếp lại rất gọn gàng. Ông bắt đầu suy đoán: nếu người ta ăn cắp xác Chúa, dĩ nhiên họ phải thực hiện một cách vội vã vì sợ phát hiện, đã vội vã thì làm sao có sự sắp xếp đồ đạc khâm liệm một cách trật tự ngăn nắp được! Từ đó, ông hiểu rằng chắc chắn Chúa Giêsu đã phục sinh.
3. Bài học rút ra từ cuộc phục sinh:
Dấu chứng đầu tiên về cuộc phục sinh lại đem đến cho chúng ta một bài học vô cùng quan trọng, đó là hiệu quả của lòng yêu mến Chúa.
Người môn đệ ẩn danh đích thị là Gioan, vì trong Tin Mừng, thánh Gioan còn được gọi là “người môn đệ Chúa yêu” (Ga 20,2). Nếu Chúa Giêsu đã yêu thương Gioan cách đặc biệt thì Gioan cũng đã yêu thương Thầy Chí Thánh bằng một tình yêu chân thành, tinh ròng và mãnh liệt nhất. Chính tình yêu thương ấy đã khiến cho trực giác của Gioan trở nên bén nhạy đến lạ lùng. Trong khi Maria Madalena và Phêrô cũng nhìn thấy rõ ngôi mộ trống, nhưng họ chưa thể khám phá ra sự phục sinh của Thầy, còn Gioan thì mau chóng nhận ra điều đó. Sự bén nhạy nhờ lòng yêu mến của Gioan sẽ còn đem lại hiệu quả trong những lần Chúa hiện ra sau đó (x. Ga 21,7).
Quả thật, lòng yêu mến thường giúp cho người ta có khả năng “cảm thấy” được sự việc trước khi phân tích và lý giải chúng. Điều này không những đúng trong cuộc sống tự nhiên giữa những người yêu thương nhau mà còn rất đúng trong lãnh vực đức tin. Chúa Giêsu đã phục sinh và Ngài mời gọi chúng ta khám phá ra sự thật này, không phải bằng lý thuyết, giáo điều hay cảm tính, nhưng bằng chính lòng yêu mến chân thành. Ai yêu mến Chúa, người đó sẽ nhận thấy Chúa đang hiện diện sát bên cạnh mình, ngay trong cuộc đời mình.
Ước gì Tin Mừng hôm nay giúp củng cố niềm tin, gia tăng lòng mến, để chúng ta nhận ra Chúa Giêsu vẫn đang phục sinh cho chính mình. Nhờ đó, chúng ta tìm thấy được nguồn hy vọng và an vui trong đời sống đạo, can đảm làm chứng cho Chúa giữa cuộc sống hàng ngày. Amen.
Tác giả bài viết: Lưu Ly Thảo góp nhặt và suy niệm
Nguồn tin: giaophannhatrang.org
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://www.giaoxuhodiem.net là vi phạm bản quyền